Thứ năm, 25/4/2024
Thứ năm, 18/6/2015, 07:39 (GMT+7)

Những ngôi sao từng tỏa sáng ở giải U21 châu Âu

Sân chơi trẻ này từng là bàn đạp cho sự nghiệp lẫy lừng của không ít danh thủ. Giải vô địch U21 châu Âu năm nay diễn ra ở CH Czech từ ngày 17 đến 30/6.

Giải vô địch U21 châu Âu tái khởi động năm 1978 (trước đó là giải U23). Kể từ đó, sân chơi này luôn sản sinh ra một số ngôi sao trẻ mà về sau đạt tới đẳng cấp thế giới, thậm chí một số tới ngày nay còn được coi là huyền thoại.

 

Rudi Voller (1982). Đội Anh không thường xuyên thắng Đức ở bất kỳ lứa tuổi nào. Bởi vậy, chiến thắng chung cuộc với tổng tỷ số 5-4 sau hai lượt trận chung kết năm 1982 rất đáng giá để người Anh vui mừng và nhớ mãi. Ngôi vô địch U21 châu Âu khi đó thuộc về “Những chú sư tử trẻ”, nhưng tiền đạo Voller của Đức mới là ngôi sao sáng của giải, khi ghi sáu bàn và gây ấn tượng mạnh ở tất cả các vòng đấu.

 

Nhờ những màn trình diễn tuyệt vời ở giải U21, Voller gia nhập Werder Bremen từ 1860 Munich ngay mùa hè 1982. Sau đó ông đầu quân cho các CLB tên tuổi khác gồm Roma, Marseille và Leverkusen. Ông có 90 lần khoác áo và ghi 47 bàn cho tuyển quốc gia Đức. Việc Voller bị chấn thương ở lượt về trận chung kết năm 1982 được coi là một nguyên nhân giúp U21 Anh thắng sát nút chung cuộc.

Laurent Blanc (1988). Cựu hậu vệ này bắt đầu sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp từ năm 1983, trong màu áo Montpellier và khi đó chơi như một tiền vệ tấn công. Blanc đã chơi hơn 100 trận chuyên nghiệp tính tới mùa hè 1988, nhưng phải tới giải U21 châu Âu thì những kỹ năng của cựu tuyển thủ Pháp này mới thực sự được phô diễn đầy đủ. Blanc đã thể hiện được khả năng đọc thế trận tuyệt vời, xử lý bóng điềm tĩnh, và trở thành nguồn cảm hứng đằng sau thành công của U21 Pháp (vô địch giải), qua đó được đề cử vào danh sách ứng viên Cầu thủ hay nhất giải.

 

Mười năm sau, Blanc là thủ quân tuyển Pháp vô địch World Cup trên sân nhà. Giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp của ông còn gắn với màu áo các CLB Barcelona, Marseille, Inter và Man Utd.

Davor Suker (1990). Cựu tiền đạo này được nhớ tới nhiều nhất ở World Cup 1998, khi anh đoạt danh hiệu Vua phá lưới trong màu áo đội giành HC đồng Croatia. Nhưng từ năm 1990 anh đã lần đầu thu hút được sự chú ý của khán giả quốc tế khi cùng đội trẻ Nam Tư tranh tài ở giải U21 châu Âu. Các pha ghi bàn và màn trình diễn cá nhân ở giải đó đã trở thành ván bật nhảy cho sự nghiệp của Suker, dần đưa danh thủ này tới với Sevilla, Real Madrid và Arsenal. Ở giải U21 năm 1990, Nam Tư còn có trong đội hình một số ngôi sao trẻ khác như Zvonimir Boban, Predrag Mijatovic và Robert Prosinecki, và họ vào tới chung kết (thua Liên Xô chung cuộc 3-7 sau hai lượt trận).

Luis Figo (1994). Cựu tiền vệ này lần đầu được khoác áo tuyển quốc gia Bồ Đào Nha từ năm 1991. Nhưng anh chỉ thực sự bắt đầu tỏa sáng ở tầm châu lục khi cùng đội trẻ tham gia giải U21 châu Âu năm 1994, khi giải này lần đầu tiên có trận chung kết diễn ra chỉ ở một quốc gia (năm đó Pháp đăng cai từ vòng bán kết). Bồ Đào Nha năm đó thua Italy 0-1 sau hai hiệp phụ trận chung kết, Figo không ghi được bàn nào tại giải nhưng những đóng góp của anh ở vị trí tiền vệ đã gây ấn tượng tới mức mang lại cho anh danh hiệu Cầu thủ hay nhất giải đấu.

 

Figo sau đó trở thành tiền vệ hàng đầu thế giới, từng khoác áo Barcelona, Real Madrid và Inter, cùng các CLB giành tám danh hiệu vô địch La Liga và Serie A, một Cup Champions League, và đoạt một danh hiệu Quả bóng Vàng. Những ai chứng kiến anh thi đấu ở giải U21 năm 1994 đều không bất ngờ khi thấy anh về sau trở thành một huyền thoại của bóng đá Bồ Đào Nha.

Fabio Cannavaro (1996). Vào giữa những năm 2000, những ai quan tâm tới bóng đá có lẽ đều biết rõ Cannavaro là một trung vệ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, lúc còn là cầu thủ trẻ, anh ban đầu bị cho là khó có khả năng chơi tốt ở vị trí trung tâm hàng phòng ngự với chiều cao hạn chế 1m76. Nhưng Cannavaro đã nhanh chóng xóa bỏ nghi ngờ đó bằng màn trình diễn ở giải U21 năm 1996. Hậu vệ của Parma khi đó đã trở thành cầu thủ quan trọng của U21 Italy trong chiến dịch bảo vệ thành công ngôi vô địch. Sau giải đó, anh tiếp tục trở thành trụ cột của các CLB Inter, Juventus, Real Madrid và tuyển quốc gia Italy. Anh là cầu thủ khoác áo đội tuyển Italy nhiều lần nhất trong lịch sử (không tính thủ môn).

Andrea Pirlo (2000). Giống Laurent Blanc, Pirlo vươn lên đẳng cấp thế giới khi chơi lùi thấp dần, nhưng cũng bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp ở vị trí khá cao trên sân. Danh thủ người Italy chơi ở vị trí của cầu thủ số 10 và trở thành vua phá lưới của giải U21 châu Âu 2000, góp phần giúp đội bóng áo thiên thanh lần thứ tư vô địch giải trẻ này. Chính anh ghi bàn ấn định thắng lợi trận chung kết năm đó, với cú sút phạt trực tiếp rất kỹ thuật ở phút 81 không cho thủ thành của Czech cơ hội cản phá nào. Pirlo sau đó tiếp tục khẳng định vị thế của một chuyên gia sút phạt trong màu áo của Milan, Juventus và tuyển Italy.

Petr Cech (2002). So với giải U21 trước đó hai năm, lần này Czech có một thủ môn tài năng hơn hẳn và đặc biệt là về sau đạt tới đẳng cấp hàng đầu thế giới. Hồi đó Petr Cech mới vừa bước sang tuổi 20 nhưng đã lập một kỷ lục của bóng đá Czech khi có tới hơn 15 tiếng thi đấu giữ sạch lưới tại giải vô địch quốc gia. Thủ thành của Sparta Prague khi đó đã trở thành một người quan trọng trong đội hình trẻ tài năng của CH Czech lần đầu vô địch U21 châu Âu. Anh sau đó đã trở thành thủ môn số một ở tuyển quốc gia, và cả của Chelsea khi cùng CLB này giành đầy đủ mọi danh hiệu lớn.

Mesut Ozil (2009). Cầu thủ chạy cánh này (số 10) đã tỏa sáng tại giải U21 năm 2009, trực tiếp góp một bàn trong đại thắng 4-0 trước Anh tại trận chung kết, qua đó giúp Đức lần đầu tiên vô địch giải trẻ châu Âu này. Tiền vệ của Werder Bremen khi đó đã chứng tỏ được đẳng cấp cao trong suốt giải đấu, liên tục hành hạ đối thủ với kỹ năng kiểm soát bóng chặt chẽ và ban chuyền sắc bén. Phong độ ở giải đó chính là bước đệm sự nghiệp của Ozil trước khi anh chuyển tới thi đấu cho Real Madrid, Arsenal và cùng Đức vô địch World Cup 2014. Hơn nửa trong số 11 cầu thủ đá chính của Đức ở chung kết World Cup 2014 cũng chính là những người đã có mặt trong trận chung kết giải U21 châu Âu năm năm trước đó:  Ozil, Mats Hummels, Benedikt Howedes, Jerome Boateng, Manuel Neuer và Sami Khedira.

Juan Mata (2011). Tây Ban Nha thống trị bóng đá thế giới trong hơn mười năm đầu của thiên niên kỷ mới và không chỉ giới hạn ở cấp đội tuyển quốc gia. Các đội U19 của họ cũng liên tiếp vô địch giải trẻ châu Âu các năm 2011 và 2012, trong khi đội U21 đăng quang giải trẻ châu Âu các năm 2011 và 2013. Mata là cầu thủ 23 tuổi của đội U21 Tây Ban Nha dự giải năm 2011 và đã gây ấn tượng trong sắc áo Valencia từ trước đó bốn năm. Những màn trình diễn của anh trên đất Đan Mạch năm đó giúp anh khẳng định tài năng với danh hiệu Cầu thủ hay nhất giải, qua đó thuyết phục Chelsea bỏ ra 37 triệu đôla để mang anh về Stamford Bridge hồi tháng tám năm đó, trước khi chuyển nhượng anh cho Man Utd.

Nguyễn Phát