f1

Công thức 1

Thứ tư, 25/1/2017, 07:14 (GMT+7)

Những dấu ấn của Bernie Ecclestone với F1

"Ông trùm" 86 tuổi là người có công lớn trong việc đưa F1 trở thành giải đua xe hàng đầu thế giới hiện nay.

Mua lại đội đua Brabham. Năm 1971, Ecclestone lần đầu làm chủ một khối tài sản liên quan đến F1 khi ông mua đội đua Brabham từ kỹ sư người Australia Ron Tauranac với giá 125.000 đôla. Ecclestone thực hiện nhiều cải cách về khung xe và động cơ ở đội đua, chiêu mộ nhà thiết kế trứ danh Colin Murray vào năm 1973. Năm 1978, ông ký hợp đồng với tay đua Niki Lauda, người sau này giành hai chức vô địch năm 1981 và 1983. Cuối mùa giải 1987, Ecclestone bán lại Brabham với giá năm triệu đôla cho doanh nhân người Thụy Sỹ Joachim Luthi.

Sáng lập nên FOCA. Không lâu sau khi làm chủ một đội đua, Ecclestone cùng với Max Mosley, người sau này làm chủ tịch FIA, Frank Williams, Colin Chapman, Ken Tyrell và một số ông chủ của các đội đua khác sáng lập nên Hiệp hội các đội đua F1 (FOCA). Bốn năm sau, Ecclestone làm giám đốc điều hành tổ chức này. Ông lãnh đạo FOCA đối đầu với FISA (tổ chức sau này là FIA), đặc biệt ở những khía cạnh thương mại của đường đua. Điều này giúp ông và ông chủ của các đội đua khác làm chủ lợi nhuận từ bản quyền truyền hình và nhiều nguồn thu khác. Nhiều mô hình kinh doanh trong F1 hiện nay bắt chước cách hoạt động của FOCA.

Cuộc chiến xung quanh Grand Prix Anh. Ecclestone thể hiện khả năng ngoại giao tuyệt vời với những người làm chủ đường đua Silverstone. Nhiều lần, chặng đua ở quê nhà ông, Grand Prix Anh, đứng trước nguy cơ bị loại khỏi lịch thi đấu. Trong thời gian Ecclestone điều hành F1, nhiều đường đua cổ điển ở châu Âu đã bị loại bỏ. Tuy nhiên, ông đã kiên trì với Silverstone. Năm 2005, chặng đua này bị loại khỏi lịch đua dự kiến khi Ecclestone không thể đạt thỏa thuận với công ty tổ chức BRDC. Năm 2010, Grand Prix Anh được lên kế hoạch chuyển sang đua tại Donington Park. Tuy nhiên, Silverstone vẫn được giữ lại và thậm chí, còn được nâng cấp để trở thành một trong những đường đua tốt nhất trên thế giới.

Grand Prix Mỹ 2005. Đây được xem là một trong những cuộc đua kỳ lạ nhất trong lịch sử F1 và người tạo ra nó là Ecclestone. Thị trường Mỹ luôn khiến doanh nhân người Anh đau đầu nhưng năm lần đầu tiên Grand Prix diễn ra tại đây thu hút hơn 100.000 khán giả. Năm 2005, tại Indianapolis, hãng lốp Michelin đã đưa ra một thiết kế không chịu nổi áp lực ở những phần dốc của đường đua, dẫn đến tai nạn ở chặng tập luyện của Ralf Schumacher. Sau đó, tám đội dùng lốp của Michelin đã đề nghị lắp đặt những khối giảm tốc để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, Ecclestone và Ferrari phản đối đề nghị này vì cho rằng nó sẽ dẫn đến sự không công bằng cho những đội còn lại. Kết quả là tất cả đội dùng lốp Michelin đều bị mòn và phải rút lui sau vòng khởi động và chỉ có sáu chiếc xe tham dự cuộc đua trước sự giận dữ của khán giả Mỹ.

Quảng cáo thuốc lá trên xe. Cuộc chiến liên quan đến chính trị lớn nhất Ecclestone từng tham gia là vào năm 2000 khi những quảng cáo thuốc lá tại F1 vấp phải sự phản đối từ quan chức của hội đua xe châu Âu và một số chính phủ. Thời điểm đó, một số đội trong đó có "Buzzin Hornets" Jordan, đã có thỏa thuận tài trợ với các hãng thuốc lá và phải tìm cách lách luật. Cuối cùng thì quy định cấm quảng cáo thuốc cũng được thông qua và cho đến nay, nó vẫn hạn chế một số đội kém danh tiếng trong việc thu hút tài trợ.

Đưa F1 lên sóng truyền hình trả tiền. Bản quyền truyền hình là vấn đề đầu tiên Ecclestone thương thảo khi nắm quyền. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những vấn đề lớn, ảnh hưởng đến tương lai của F1. Đang có một sự chuyển biến từ việc phát sóng F1 trên những kênh phổ thông sang phát trên truyền hình trả tiền, điều khiến những người theo dõi môn thể thao này phải chi nhiều hơn. Ở Anh, năm 2012, Sky Sports đã thâu tóm bản quyền truyền hình cả mùa giải khiến nhà phát sóng cũ là BBC chỉ có thể sử dụng video tổng hợp. Ở các nước khác như Italy, Pháp, Đức, xu thế này cũng diễn ra. Điều này ảnh hưởng đến một bộ phận khán giả ở những thị trường lớn của F1.

Những phát biểu gây tranh cãi. Ở tuổi 85, việc Ecclestone có những quan điểm khiến một vài người không đồng tình được xem là chuyện bình thường. Ông cũng không ngần ngại chia sẻ những quan điểm đó, từ vụ Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) cho đến quan hệ thân mật giữa cá nhân ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Gần đây, Ecclestone tuyên bố các đội đua F1 sẽ không bao giờ thuê một tay đua nữ trừ khi họ không tìm được đàn ông. Phát biểu này nhận sự phản đối từ Susie Wolff, tay đua nữ từng tham gia một số chặng đua tập. 10 năm trước, Ecclestone có hai lần tuyên bố là phụ nữ chỉ nên ở nhà lo nội trợ, và cả hai lần ông đều phải xin lỗi.

Cuộc điều tra của EU. Trong vài năm qua, các đội đua kém danh tiếng tham dự F1 đã tìm cách tối đa hóa doanh thu và Ecclestone cũng cho rằng vấn đề này nên được xem xét lại. Tuy nhiên, đã có một cuộc điều tra của Liên minh châu Âu (EU) để làm rõ xem liệu các đội mạnh như Ferrari, Red Bull hay Mercedes đã được ưu ái hơn khi được chia lợi nhuận. Điều này khiến các đội như Force India, Sauber hay Manor phải tìm cách để sống sót. Ngoài ra, việc chi phí cho động cơ và phát triển xe ngày càng lớn cũng khiến các đội đua nhỏ đối đầu thêm những khó khăn về tài chính.

Mở rộng thị trường. Ít người có thể nghĩ đến việc vị trí của những đường đua F1 hiện nay phủ sóng khắp nơi trên thế giới khi môn thể thao này mới ra đời năm 1950. Trong khi duy trì sự hiện diện của những đường đua truyền thống như Spa-Francorchamps, Monza và Silverstone, Ecclestone đã mang F1 đến với Singapore, Abu Dhabi hay Bahrain. Ông cũng giúp các tay đua đến với Azerbaijan hay Nga, cũng như trở lại Mexico. Từ chỗ chỉ có một chặng đua ở châu Á và một chặng khác ở Australia, F1 giờ đã có tám chặng đua ở những khu vực trong đó có Trung Đông hay Baku. Và xu thế này có vẻ vẫn sẽ tiếp diễn.

Bê bối hối lộ. Vào năm 2014, một sự kiện xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Ecclestone. Ông bị buộc tội hối lộ Gerhard Gribkowsky, cựu thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Bayern LB, 44 triệu đôla vào năm 2005. Số tiền này là để đảm bảo CVC Capital Partners mua được lượng lớn cổ phần của F1, đảm bảo cho Ecclestone tiếp tục ngồi ở vị trí lãnh đạo môn thể thao này. Sau này, khi sự việc vỡ lở, Ecclestone tuyên bố rằng Gribkowsky đã đe dọa ông. Tuy nhiên, thẩm phán tòa án không đồng ý cách giải thích này và Ecclestone đã phải chi 100 triệu đôla để thoát án tù.

Vĩnh San