Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ tư, 28/10/2015, 10:56 (GMT+7)

Sự thật phía sau năm bức ảnh lịch sử của thể thao

Diego Maradona đối mặt sáu tuyển thủ Bỉ, Muhammad Ali hạ gục Sonny Liston... là hai trong những khoảnh khắc thể thao ấn tượng do tờ Guardian (Anh) lựa chọn.

1. Sáu cặp mắt tập trung vào đôi chân của Maradona. Sân Camp Nou tại Barcelona năm 1982, "cậu bé vàng" của Argentina giữ bóng bằng chiếc chân trái ma thuật. Trước mặt là sáu tuyển thủ Bỉ đang sẵn sàng phong tỏa pha xử lý tiếp theo của ông.

 

Bức ảnh được Steve Powell chụp vào ngày 13/6/1982. Maradona khi ấy mới 22 tuổi và tham dự kỳ World Cup đầu tiên trong sự nghiệp. Tuy nhiên, danh tiếng từ việc được Barcelona mua về với giá kỷ lục khiến ông nhận được sự chú ý đặc biệt từ các đối thủ. Cựu tiền vệ Franky Vercauteren là người đứng chắn trước mặt Maradona, đằng sau ông là năm người đồng đội. Hầu hết mọi người khi nhìn vào bức ảnh này đều nghĩ đến việc Maradona đã làm khổ hàng phòng ngự đối thủ như thế nào. Họ nhìn vào những cặp mắt đáng thương hại của người Bỉ khi đối mặt với con người vĩ đại từng khiến nước Anh ôm hận tại World Cup 1986. Nhưng thực tế không phải vậy.

 

Khoảnh khắc được Powell chụp lại, sở dĩ các cầu thủ Bỉ có thể đứng thành hàng như vậy là do họ vừa xếp hàng rào để cản cú đá phạt của Ossie Ardiles. Bóng bật ra từ quả phạt này lăn đến chân Maradona, người đứng cách đó chừng 10m. Bỉ cũng mới là đội chiến thắng trong trận cầu ở vòng bảng ba World Cup 1982 bằng bàn thắng duy nhất của Erwin Vandenbergh.

2. Brandi Chastain mừng chiến thắng ở trận chung kết World Cup. “Định mệnh đưa chúng tôi đến với nhau”, Robert Beck nói về bức ảnh chụp cựu tuyển thủ Brandi Chastain ăn mừng pha đá phạt đền quyết định giúp Mỹ thắng Trung Quốc ở chung kết World Cup bóng đá nữ năm 1999.  

 

Brandi Chastain được lựa chọn để đá quả phạt đền cuối cùng, còn Beck suýt chút nữa bị đuổi khỏi khu vực ông đã đứng để chụp bức ảnh này. Trước 90.000 khán giả trên sân Rose Bowl, bức ảnh chụp Brandi Chastain cởi áo ăn mừng của Beck trở thành biểu tượng của giải đấu.

 

“Không hơn không kém, đó là khoảnh khắc của sự cuồng si”, Brandi Chastain đã trả lời như thế khi được hỏi lý do thực hiện màn ăn mừng táo bạo đối với một cầu thủ nữ. Trong bức ảnh để đời của Beck, Chastain cởi áo ngoài và quỳ trên sân, để lộ lớp áo lót thể thao màu đen. Tay phải cô cầm chiếc áo đấu đẫm mồ hôi còn tay trái giương nắm đấm lên không trung. “Tôi đã không suy nghĩ bất cứ điều gì khác. Tôi chỉ cần biết đây là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong đời cầu thủ của mình”, Chastain nói.

 

Với Robert Beck, đây cũng là kỷ niệm lớn nhất của ông trên sân vận động. Nhiếp ảnh gia của tạp chí Sports Illustrated không có chuyên môn thể thao, ông thậm chí không hiểu luật bóng đá. Beck được cử tới sân để chụp các khoảnh khắc bên ngoài sân như đám đông khán giả hay bất cứ thứ gì hay ho khác. Khi trận đấu kết thúc với kết quả hòa, Beck hỏi người trợ lý và biết loạt phạt đền sắp diễn ra. Ông bèn thu xếp dụng cụ để đi từ khán đài xuống sân. Lúc này, hai người đồng nghiệp của Beck đã chia nhau vị trí ở hai điểm đá phạt góc, khu vực hợp lệ cho phóng viên ảnh tác nghiệp. Tuy nhiên, do không hiểu luật, Beck mang đồ nghề của mình ra phía sau cầu môn, nơi diễn ra loạt sút phạt đền. Đây là khu vực cấm vì sẽ gây ảnh hưởng đến sự tập trung của các cầu thủ. Nhưng đến khi ban tổ chức phát hiện ra Beck, loạt đá phạt đền đã bắt đầu nên ông được chỉ đạo giữ nguyên vị trí. Do đó, nhiếp ảnh gia này vô tình sở hữu góc máy đẹp nhất và chụp được bức ảnh để đời.

3. Muhammad Ali thị uy trước Sonny Liston. Hiệp đầu tiên, phút đầu tiên của trận so găng, với miếng bảo hộ răng mấp máy trên môi, Muhammad Ali đứng trước Sonny Liston sau khi tung một cú đấm bằng tay phải cực mạnh khiến đối thủ ngã xuống. Sonny Liston khi ấy là một trong những võ sĩ quyền anh tiếng tăm nhất thế giới nhưng phải ngã xuống ngay hiệp đầu trận tái đấu với Ali tại Central Maine Youth, Lewiston. Được chụp bởi nhiếp ảnh gia Neil Leifer của tạp chí Sports Illustrated, đây là một trong những bức ảnh biểu tượng của thể thao quốc tế.

 

Thực tế, Leifer đã gặp may khi chụp được bức ảnh này. Khi ấy, ông mới 22 tuổi và đang là nhân viên tập sự. Leifer tìm được một góc máy tốt nhưng bị đàn anh Herb Scharfman (người đàn ông hói đầu xuất hiện giữa hai chân Ali trong bức ảnh) chiếm mất. Cuối cùng, Neil Leifer đi tìm một vị trí khác và may mắn chụp được khoảnh khắc này khi Liston vừa ngã xuống.

 

Sau này, khi được hỏi về bức ảnh, Neil Leifer nói nếu tái hiện lại trận đấu đó như một bộ phim, nếu ông được quyền sắp xếp vị trí cho Ali và Liston, thì ông sẽ cho họ xuất hiện đúng như trong bức ảnh. Trận đấu hôm đó chỉ kéo dài hai phút và tám giây nhưng Leifer đã chụp được ba bức ảnh để đời. Đặc biệt với khoảnh khắc này, Leifer đã lột tả được những gì sung mãn nhất của một huyền thoại đang ở đỉnh cao sự nghiệp.

4. Lửa bùng cháy quanh chiếc xe của Jos Verstappen. Không có tay đua hay nhân viên nào bị thương nặng sau vụ tai nạn trên đường đua Grand Prix Đức năm 1994. Khi bạn nhìn vào quầng lửa khủng khiếp trong bức ảnh này, đó quả thực là điều may mắn. Tình huống xảy ra khi Jos Verstappen dừng xe ở trạm tiếp nhiên liệu. Cựu tay đua người Hà Lan vẫn ngồi trong xe còn các nhân viên đang làm nhiệm vụ như bình thường.

 

Hình ảnh trên truyền hình cho thấy Verstappen đã mở một phần kính che mặt trên mũ bảo hiểm của ông ra bằng tay trái để hít thở. Trong khảnh khắc ấy, một trong hai người làm nhiệm vụ bơm xăng rút vòi nhiên liệu ra khỏi xe của Verstappen. Không hiểu vì lý do gì, nhiên liệu bị rò rỉ và bắn tung tóe lên xe, người của Verstappen và các nhân viên xung quanh. Chỉ vài tích tắc sau đó, lửa bùng cháy với khung cảnh như ở địa ngục.

 

Jos Verstappen là người duy nhất thương nhẹ sau vụ tai nạn đó. Ông bị một vết bỏng nhỏ trên mặt, chỗ khe hở trên mũ bảo hiểm mà cựu tay đua này đã mở ra. Sau khi lửa tắt, Jos Verstappen tỏ ra vô cùng giận dữ với những gì xảy ra. Một cuộc điều tra tiến hành sau đó phát hiện ra nguyên nhân của vụ tai nạn là do đội đua của Verstappen, Benetton-Ford, đã dùng nhiên liệu không đáp ứng tiêu chuẩn.

5. Bobby Moore và Pele đổi áo cho nhau. Bobby Moore cho biết đây là bức ảnh ông thích nhất, khi ông và Pele ôm nhau sau trận đấu tại vòng bảng World Cup 1970.

 

Ở trận đấu này, Brazil là đội giành chiến thắng bằng pha lập công duy nhất của Jairzinho. Trong ảnh, đội trưởng đội tuyển Anh Bobby Moore cười tươi sau khi đổi áo với người sau này là “vua bóng đá” thế giới. Đây là một trong những bức ảnh biểu tượng không chỉ của môn bóng đá.

 

Trận đấu giữa Anh và Brazil năm 1970 chứng kiến hai khoảnh khắc lịch sử: pha cứu thua của Gordon Banks sau cú sút của Pele và pha tắc bóng của Moore với Jairzinho. Cánh phóng viên từ Anh đã chờ đợi rất lâu để ghi lại khoảnh khắc mà Moore và Pele gặp nhau sau trận đấu. Tinh thần thể thao và sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai tài năng của bóng đá thể giới thời điểm đó toát ra từ bức ảnh khiến nó cứ bốn năm lại xuất hiện trên các mặt báo.

 

John Varley, tác giả của bức ảnh kể lại rằng ông và các đồng nghiệp đã chờ đợi giây phút này từ lâu. Ngay khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, Varley đã bám theo Moore và cơ hội cuối cùng cũng tới với ông.

Di Khánh