Thứ năm, 28/3/2024
Thứ ba, 13/1/2015, 05:15 (GMT+7)

Torres và những tấm gương thành công khi tái hợp CLB cũ

Torres vẫn nhạt nhòa từ khi về lại Atletico, nhưng anh có thể nhìn vào nhiều tiền bối để có thêm động lực. Những Rui Costa, Hughes... đều trở lại ở tuổi xế bóng và gặt hái thành công với các đội bóng cũ của họ.

Michael Ballack (Leverkusen; 1999-2002 & 2010-2012). Với Ballack là đầu lĩnh, Leverkusen vươn mình mạnh mẽ trong ít năm cuối 1990 đầu 2000, thời gian mà họ thách thức Bayern ở Bundesliga và lọt vào chung kết Champions League 2002 (thua Real 1-2). 

 

Trở lại sau 10 năm xa cách, Ballack, ở tuổi 34, không còn sung mãn như xưa. Nhưng với kinh nghiệm dày dạn và tư chất thủ lĩnh, anh vẫn có những đóng góp hữu ích và được CĐV Leverkusen trân trọng trước khi treo giày hôm 2/10/2012.

Henrik Larsson (Helsingborgs; 1992-1993 & 2006-2009). Helsingborgs là nơi đầu tiên Larsson (áo đỏ) chơi trọn vẹn mùa giải đầu tiên trong sự nghiệp đỉnh cao. Tiền đạo khi đó để tóc dài tết lọn bùng nổ với 34 bàn mùa 1992, giúp Helsingborgs thăng hạng, lên Allsvenskan - giải vô địch quốc gia Thụy Điển. Mùa kế sau đó, Larrson tiếp tục tỏa sáng ghi 16 bàn.

 

Tháng 3/2007, sau 13 năm bôn ba ở Feyenoord, Celtic rồi Barca, Man utd, Larsson trở về ở tuổi 35, chơi 84 trận, ghi 38 bàn, góp công giúp Helsinborg đoạt Cup Quốc gia Thụy Điển.

Juan Sebastian Veron (Estudiantes de la Plata; 1994 - 1996 & 2006-2012 & 2013-2014). Hai mùa đầu tiên của Veron ở Estudiantes là bệ phóng để anh sang châu Âu khoác áo một loạt đội bóng lớn. Khi trở lại năm 2006, ở tuổi 31, Veron vận dụng tất cả những kinh nghiệm tích lũy được ở châu Âu để góp phần làm nên một Estudiantes mạnh mẽ hai lần vô địch Argentina và một lần đăng quang ở Copa Libertadores (2009) - giải đấu số một Nam Mỹ cấp CLB.

Rui Costa (Benfica; 1990-1994 & 2006-2008). Costa là thành viên thế hệ vàng của bóng đá Bồ Đào Nha vô địch U20 thế giới. Ở cấp CLB, trong mùa cuối cùng khoác áo Benfica - 1993-1994, tiền vệ tấn công tài hoa này chơi rất hay, góp phần giúp đội vô địch quốc gia, trước khi sang Italy lần lượt khoác áo Fiorentina rồi Milan.

 

Trở lại năm 2006, Rui Costa đã qua sườn dốc bên kia của sự nghiệp, nhưng vẫn có những đóng góp quan trọng, trước khi giải nghệ và chuyển sang làm quản lý, với cương vị Giám đốc Bóng đá của Benfica. Trong vai trò này, Costa được đánh giá rất cao khi đưa về sân Da Luz nhiều cầu thủ chất lượng, giá phải chăng như Aimar, Suazo, Reyes, Saviola, Ramires, Javi Garcia và HLV Jorge Jesus, tạo tiền đề để Benfica vô địch Bồ Đào Nha lần đầu tiên sau năm năm chờ đợi (2010).

Martin Palermo (Boca Juniors; 1997-2000 & 2004-2011). Ba năm đầu khoác áo Boca là giai đoạn Palermo lăng-xê tên tuổi của anh ra toàn thế giới khi giúp đội bóng áo vàng xanh vô địch Argentina, đăng quang ở Copa Libertadores và đoạt Cup Liên lục địa (tiền thân của FIFA Club World Cup).

 

Không thành công khi sang châu Âu thử sức với Villarreal, Betis rồi Alaves, Palermo trở lại Boca ở tuổi 31 và được cho là chỉ mong muốn tìm kiếm sự an nhàn khi vào buổi xế chiều của sự nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại, như cá về với nước, chân sút kỳ cựu này tiếp tục bùng nổ, giúp Boca thêm ba lần vô địch Argentina, đoạt một Copa Libertadores, hai Copa Sudamericana, hai Siêu Cup Nam Mỹ trước khi giải nghệ năm 2011.

Frank Rijkaard (Ajax Amsterdam; 1980-1987 & 1993-1995). Sau khi đoạt bảy danh hiệu lớn trong giai đoạn đầu khoác áo Ajax, tiền vệ phòng ngự gốc Surinam đi theo tiếng gọi của AC Milan. Mãi đến năm 1993, sau sáu năm xa cách, Rijkaard, ở tuổi 31 trở lại với CLB thành Amsterdam. Tại đây, với kinh nghiệm và tài năng của anh, Rijkaard được HLV Louis van Gaal xây dựng thành thủ lĩnh của lứa cầu thủ trẻ như anh em De Boer, Seedorf, Davids, Litmanen, Kluivert, Van der Saar, Overmars... Sự tái hợp ấy cho trái ngọt khi Rijkaard cùng Ajax có thêm hai chức vô địch Hà Lan và một lần đăng quang ở Champions League (1995).

Stefan Effenberg (Bayern Munich; 1990-1992 & 1998-2002). Effenberg đến với Bayern lần đầu tiên với tư cách một tài năng trẻ hứa hẹn vừa tỏa sáng ở Moenchengladbach. Nhưng trong hai năm anh đầu khoác áo "Hùm Xám", dù thành công về mặt cá nhân, Effenberg cùng Bayern không có danh hiệu nào. Anh vì thế ra đi, sang Italy khoác áo Fiorentina, rồi lại trở về để chơi cho Moenchengladbach.

 

Hè 1998, Bayern, theo yêu cầu của tân HLV Ottmar Hitzfeld, trải thảm đỏ mời Effenberg trở lại và lần tái hôn này mang lại thành công rực rỡ cho cả hai bên. "Hùm Xám", với kinh nghiệm, tài năng và tư chất thủ lĩnh của Effenberg, vô địch Bundesliga ba năm liền (1999, 2000, 2001), hai lần vào chung kết Champions League, trong đó có một lần vô địch (2001), đoạt một Cup Liên lục địa (2001).

Hakan Sukur (Galatasaray; 1992-1995, 1995-2000 & 2003-2008). Tiền đạo người Thổ Nhĩ Kỳ từng khoác áo Galatasaray ba giai đoạn, và sự trở về năm 1995 ghi dấu thành công lớn nhất sự nghiệp của anh. Sau một thời gian ngắn không thành công ở Torino, Sukur trở lại Galatasaray đúng giai đoạn sung mãn nhất sự nghiệp - tuổi 24.

 

Trong năm năm từ 1995-2000, ngôi sao có biệt danh "Bò mộng vùng Bosphorus" cùng Galatasaray đoạt bốn chức vô địch Thổ Nhĩ Kỳ, một Cup UEFA (tiền thân của Europa League). Hè 2000, Sukur ra đi, lần lượt khoác áo Inter, Parma rồi Blackburn, trước khi trở lại Galatasaray hè 2003 để chơi thêm năm mùa giải cuối sự nghiệp. Trong thời gian này, anh cùng Galatasaray có thêm hai chức vô địch Thổ Nhĩ Kỳ nữa.

Mark Hughes (Man Utd; 1980-1986 & 1988-1995). Tiền đạo người Xứ Wales trưởng thành từ đội trẻ rồi lên đội một Man Utd, nơi anh gầy dựng uy tín để được Barca tuyển mộ trong hè 1986. Nhưng sau khi không thành công ở Barca rồi Bayern, Hughes trở lại Old Trafford và như cá về với nước, anh tỏa sáng liên tục, dưới trướng HLV Alex Ferguson.

 

Trong giai đoạn thứ hai khoác áo Man Utd, Hughes cùng CLB đoạt hai chức vô địch Ngoại hạng Anh, hai Cup FA, một Cup Liên đoàn, ba Siêu Cup Anh, Cup C2 châu Âu 1991, Siêu Cup châu Âu 1991.

Linh Linh