Thứ tư, 24/4/2024
Thứ hai, 20/11/2017, 18:09 (GMT+7)

Võ sư 70 tuổi ‘dạy văn, luyện võ’ cho trẻ khuyết tật

Hơn 12 năm qua, vợ chồng võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan dốc hết tâm can giúp những đứa trẻ thiệt thòi bước ra ánh sáng.

Năm 2005, Sở TDTT TP HCM thành lập Hội võ thuật người khiếm thị. Võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan được phân công đảm nhận chức vụ Trưởng Ban chuyên môn aikido của Hội võ thuật người khiếm thị TP HCM. Bà từng là người phụ nữ Việt Nam thứ hai đạt đến đẳng shodan (huyền đai quốc tế aikikai) và có kinh nghiệm 48 năm dạy môn aikido.

“Lúc tôi nhận lớp, chỉ có 20 em của hội người mù TP HCM. Có một em đã nắm tay tôi và nói ‘Cô ơi, làm sao để con có thể học giỏi võ và đánh bại được cô’. Cái nắm tay ấy, câu nói ấy của em khiếm thị đã làm nhói tim tôi. Tối về tôi không sao ngủ được. Tôi sau đó quyết tâm nghĩ ra cách để dạy các em khiếm thị, khiếm thính hòng phần nào giúp các em hoà nhập được với cuộc sống, bớt mặc cảm với bệnh tật”, bà nhớ lại.

Dạy võ cho người bình thường đã khó, dạy cho người khuyết tật lại càng khó hơn. Bà phải soạn từng giáo án riêng cho mỗi người, nghĩ ra từng đòn thế phù hợp với thể trạng, tính tình của từng đứa trẻ khuyết tật.

Sau đó, bà cùng chồng là võ sư Đặng Văn Phát tìm thuê mặt bằng, mở lớp dạy võ miễn phí “Aikido - thế giới là yêu thương” cho trẻ bị tật nguyền.

Gia đình không mấy khá giả, nhưng bà nhận được sự động viên và giúp sức từ chồng. Ngoài giờ dạy võ, ông có lúc còn lái xe tải để kiếm thêm kinh phí, giúp bà duy trì lớp học.

“Vào một chiều mưa, khi tôi dạy cho lớp xong thì có một bà mẹ dắt con thập thò ngoài cửa rồi đi vào xin cho con theo học. Nhưng tôi từ chối vì em bé đó bị bệnh down”, bà kể. “Khi tôi từ chối, con bé bật khóc. Còn mẹ nó thì ngấn lệ. Hình ảnh những giọt nước mắt của hai mẹ con đã làm nhói con tim tôi một lần nữa".

Tối về, bà lại trằn trọc không yên và rồi liều mình xin phép lãnh đạo cho nhận các em bị hội chứng down, thiếu năng trí tuệ, khuyết tật, tự kỷ… vào lớp với điều kiện bắt buộc là phải có phụ huynh đi kèm.

“Dạy các em khuyết tật mình phải dạy bằng cả con tim và có sự kiên nhẫn. Để các em hoà nhập phải tính bằng năm chứ không phải ngày một, ngày hai”, bà tâm niệm. “Có nhiều em khi đến với lớp học của tôi chân tay yếu ớt, miệng luôn chảy nước miếng và phải mang tạp dề trước ngực. Nhưng rồi qua từng năm tháng, em cứng cáp lên, hết chảy nước và bây giờ thậm chí đã tự đạp xe đi học, phụ huynh không phải đưa đón”.

Ngoài võ, bà còn dạy các em học văn hoá, đàn, hát, vẽ… Trong số học trò có Mặc Đăng Mừng, vốn bị bệnh down, bảy tuổi mới chập chững biết đi và nói bập bẹ. Sau khi đến với lớp học của bà, Đăng Mừng tiến bộ từng ngày, đạt chứng chỉ tin học, vào đại học, nói tiếng Anh tốt và biết đàn hát.

Hoặc như trường hợp của Bùi Tất Thành, vốn bị thiếu năng trí tuệ, chấn thương dây thần kinh nói, tay và chân phải yếu ớt. Dưới bàn tay rèn dũa của nữ võ sư già, Tất Thành đã mạnh mẽ và bây giờ có nhiều bằng cấp về võ thuật.

“Đối với người khiếm thị chúng tôi, tiếp cận môn võ rất khó nhưng nhờ cô Loan cầm tay ân cần chỉ từng chi tiết, từng thế võ mà tôi đã có như ngày hôm nay. Có thể nói, cô Loan là bà tiên trong lòng chúng tôi”, Nguyễn Phước Linh chia sẻ. Bị khiếm thị bẩm sinh, Linh tình cờ đến với lớp của võ sư Thanh Loan. Với đam mê của bản thân và sự dạy bảo của võ sư Thanh Loan, bây giờ em đã đạt tứ đẳng huyền đai võ aikido, phụ trách dạy môn võ cho trẻ khiếm thị ở Thủ Đức.

Để giúp tăng độ linh hoạt, bà còn dạy các em nhảy bao bố, nhảy xa, đá bóng, thậm chí là bơi… "Khi đã dạy cho các em những thế võ để phòng thủ trên cạn, tôi lại suy nghĩ 'Lỡ té ngã dưới nước thì sao? Các em khuyết tật sẽ chống chọi như thế nào?'. Câu hỏi ấy quanh quẩn trong đầu, và thôi thúc tôi đi tìm lớp giúp các em học bơi. Ban đầu học bơi gian nan lắm. Đi đến hồ bơi nào họ cũng không nhận vì họ sợ liên luỵ. Tôi hiểu điều đó vì người bình thường bơi đã khó, còn trẻ khuyết tật, không nghe, không thấy thì vào bơi lỡ có chuyện gì thì sao. Họ từ chối cũng đúng”, bà kể.

“Thế rồi rất may mắn, tôi tìm được một quán cà phê ở quận Tân Bình có hồ bơi, tôi và các phụ huynh dắt các em đến mua vé rồi vào cho các em học bơi”, cô Loan hồ hơi chia sẻ. “Ban đầu các em còn bơi qua trái, phải lung tung lắm nhưng qua ít ngày các em xuống nước là bơi từ đầu đến cuối hồ bơi theo một đường thẳng. Các em còn bơi rất giỏi nữa”.

Sau hơn 12 năm, võ sư Thanh Loan không thể nhớ hết bao nhiêu học trò đã đi qua lớp học của mình. Bà chỉ nhớ con số hiện tại với hơn 100 em đang đồng hành hàng tuần hai buổi ở các lớp học võ, văn hoá và bơi.

Nhiều người khuyên bà nghỉ ngơi để vui thú tuổi già với gia đình và con cháu, lại đỡ tốn công tốn của. Nhưng bà cảm thấy chưa thể dừng lại vì ngoài đời còn nhiều hoàn cảnh cần mình.

"Quan điểm của tôi là cứ gõ cửa sẽ mở và sự thật là đã có nhiều cánh cửa được mở ra. Các em như ở trong bóng tối, đã và đang chờ tôi đưa ra ánh sáng. Tôi tâm nguyện sẽ tận dụng những thời gian còn lại của đời mình để đồng hành cùng chúng. Hạnh phúc được nhân đôi khi nó được chia sẻ”, nữ võ sư già nói.

Đức Đồng