Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ sáu, 23/10/2015, 09:00 (GMT+7)

Những mùa giải thành công nhất trong lịch sử quần vợt nam

Giành chín danh hiệu vô địch - trong đó có ba Grand Slam đồng thời bỏ túi hơn 16 triệu đôla, năm 2015 của Novak Djokovic là một trong những mùa giải thành công nhất trong lịch sử quần vợt nam.

8. Rafael Nadal (2010). Đây là năm duy nhất trong sự nghiệp Nadal giành ba danh hiệu Grand Slam. Thiếu sót lớn duy nhất của anh năm đó là Australia Open. 

 

Tay vợt người Tây Ban Nha khởi đầu chậm chạp, thậm chí không gặt hái được thành công nào ở bốn giải đầu năm. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn của các giải đấu trên mặt sân đất nện mà đầu tiên là Monte Carlo Masters, Nadal thể hiện phong độ khủng khiếp. Không thực sự thống trị các giải đấu sân cỏ và sân cứng vào cuối năm nhưng anh vẫn kịp bỏ túi thêm hai Grand Slam nữa là Wimbledon và Mỹ mở rộng. Trong 17 giải đấu tham gia năm 2010, Nadal vô địch bảy giải. Cuối mùa, Nadal trở thành người thứ ba sau Ivan Lendl (1989) và Roger Federer (2009) lấy lại ngôi vị số một thế giới sau khi đánh mất nó. 

7. Novak Djokovic (2011). Năm 2011 là mùa giải đánh dấu sự thống trị của Nole trong thời kỳ mà nhóm “Tứ đại thiên vương” đang ở phong độ cao. Tay vợt người Serbia giành ba trong bốn Grand Slam, chiến thắng 70 trận và chỉ sáu lần thất bại.

 

Trong sáu lần để thua, có hai lần Djokovic bỏ cuộc giữa trận vì chấn thương. Đó là hai trận gặp Andy Murray ở Cincinnati và gặp Juan Martin del Potro ở Davis Cup. Thất bại duy nhất của Djokovic tại Grand Slam là trước Roger Federer ở bán kết Pháp Mở rộng. Đây cũng là năm Djokovic toàn thắng trong sáu trận chạm trán Nadal, một thắng - một bại trước Andy Murray và bốn thắng - một bại trước Roger Federer. Huyền thoại John McEnroe nói về Djokovic năm 2011 như sau: “Djokovic có mùa giải thành công nhất trong lịch sử môn thể thao này”.

 

Tuy nhiên, phong độ của Djokovic vào cuối năm 2011 không cao. Anh để thua David Ferrer và Janko Tipsarevic ở vòng bảng ATP World Tour Finals. Kết quả tệ hại này khiến thành tích của tay vợt Serbia trong năm 2011 bớt thuyết phục hơn.  

6. Rod Laver (1969). Đây là tay vợt duy nhất cho đến nay hai lần ẵm trọn bốn danh hiệu Grand Slam trong một năm. Vì thế, nhiều người vẫn tự hỏi năm 1962 hay 1969 mới là mùa giải thành công nhất trong sự nghiệp của cựu tay vợt người Australia này.

 

Năm 1962, Rod Laver không phải đối đầu với nhiều đối thủ đáng gờm vì nhiều tay vợt chuyên nghiệp bị cấm thi đấu tại các Grand Slam. Do đó, thành tích của Laver năm 1969, năm thứ hai của kỷ nguyên “Mở rộng”, được đánh giá cao hơn nhờ chất lượng các giải đấu. Năm 1962, ông thắng 134 trận và 15 lần thất bại, vô địch 19 giải đấu. Tuy nhiên, thành tích này không được đánh giá cao bằng 106 trận thắng, 16 trận thua và 17 danh hiệu của năm 1969. Tính riêng ở các giải Grand Slam, Laver để thua 14 set trong năm 1962 và 17 set trong năm 1969. 

5. Roger Federer (2006). Thất bại ở chung kết Pháp Mở rộng là lý do duy nhất khiến mùa giải 2006 của “Tàu tốc hành” mất đi sự hoàn hảo. Người “thọc gậy bánh xe” chính là kình địch Rafael Nadal. “Ông vua sân đất nện” năm đó đã khiến Federer phải ôm hận với thất bại 1-3 (6-1, 1-6, 4-6, 6-7) trong trận chung kết ở Paris. 

 

Sau khi để thua Nadal, Federer thắng 48 trong 49 trận ở sáu tháng rưỡi cuối năm 2006. Anh vô địch Wimbledon và Mỹ mở rộng cùng với đó là hai lần rửa hận trước Nadal. Federer kết thúc mùa giải 2006 với thành tích thắng 92 trận và chỉ năm lần thất bại. Người duy nhất đánh bại anh ở nửa cuối mùa giải là Andy Murray. Những thống kê trên cho thấy sự thống trị mạnh mẽ của Federer năm đó. Tuy nhiên, do thua đến bốn trận trong sáu lần chạm trán Nadal, thành tích của tay vợt Thụy Sỹ trong năm 2006 phần nào đó trở nên kém giá trị.

 

 

Ngoài năm 2006, Federer còn hai mùa giải nữa rất đáng được kể đến. Đó là năm 2004 và 2007, hai mùa giải mà tay vợt người Thụy Sỹ cho thấy sự thống trị bằng việc vô địch ba Grand Slam (trừ Pháp mở rộng) và ATP World Tour Finals. Dù vậy, năm 2007, trong năm lần góp mặt ở chung kết các giải Masters 1000, Federer chỉ hai lần chiến thắng. Còn năm 2004, anh cũng chỉ ba lần vô địch các giải ATP Masters Series.

4. Jimmy Connors (1974). Cựu ngôi sao người Mỹ vô địch cả ba Grand Slam mà ông được phép tham dự vào năm 1974. Đây được xem là một trong những mùa giải thành công nhất ở kỷ nguyên “Mở rộng”, Connors đạt thành tích 93 trận thắng và chỉ bốn lần thất bại. Ông vô địch Australia Mở rộng, Wimbledon và Mỹ Mở rộng. Connors chỉ không được phép tham dự Pháp Mở rộng 1974 vì ký hợp đồng với Đội tuyển quần vợt quốc tế. Ông đã tìm cách được tham dự giải Grand Slam còn lại này nhưng không thành công.

 

Ba trận thua đáng quên nhất của Jimmy Connors trong năm 1974 là trước Onny Parun (xếp hạng 29), Karl Meiler (32) và Juan Gisbert (54).

3. Don Budge (1938). Đây là tay vợt đầu tiên hoàn thành đủ bộ Grand Slam trong một năm. Ông làm được điều đó năm 1938 theo cách cực kỳ thuyết phục.

 

Budge chỉ thua bảy game ở Australia Mở rộng và đánh bại John Bromwich ở chung kết. Ông chỉ cần ít hơn một tiếng để thắng Roderich Menzel ở chung kết Pháp Mở rộng. Tại Wimbledon, cựu tay vợt người Mỹ tiếp tục cho thấy sự thống trị khi chỉ để thua một set đấu trong cả giải. Tại Mỹ mở rộng, mãi cho đến trận chung kết, thắng Gene Mako 3-1, Don Budge mới thua set đầu tiên.

Phong độ quá khủng khiếp của Budge khiến người khác cho rằng ông “nhả” cho người bạn Mako thắng một set nhưng tay vợt người Mỹ sau đó đã bác bỏ giả thiết này. Don Budge cũng thắng tất cả các trận năm đó khi về khoác áo đội tuyển Mỹ đánh Davis Cup.

 

Mãi cho đến thất bại trước Adrian Quist vào cuối năm 1938, người ta mới tìm ra đối thủ đầu tiên có thể đánh bại Don Budge. Dù vậy, Budge chơi khá ít trận trong năm 1938. Thành tích của ông là thắng 44 và thua hai, vô địch bảy trên chín giải đấu tham dự. 

2. John McEnroe (1984). Thất bại trước Ivan Lendl trong trận chung kết Pháp Mở rộng 1984 ngăn cản John McEnroe thống trị tuyệt đối trong mùa giải năm đó. Ông vô địch ba Grand Slam còn lại. Trong đó, chiến thắng 3-0 (6-1, 6-1, 6-2) trước Jimmy Connors tại chung kết Wimbledon và chiến thắng 3-0 (6-3, 6-4, 6-1) trước Ivan Lendl tại chung kết Mỹ Mở rộng là hai trận đấu tiêu biểu cho sự áp đảo của McEnroe năm đó.

 

Thành tích của McEnroe năm 1984 là thắng 82 và thất bại ba lần. Ông toàn thắng cả sáu lần đối đầu với Connors, tay vợt đứng thư hai thế giới năm đó, toàn thắng ba trận trước Mats Wilander. Tuy nhiên, ký ức khiến người hâm mộ nhớ nhất, trớ trêu thay, lại là thất bại sau năm set đấu căng thẳng của McEnroe năm đó tại chung kết Pháp Mở rộng trước Ivan Lendl. McEnroe thắng năm trong sáu trận đối đầu với Lendl năm đó. Ngay ở trận chung kết Pháp Mở rộng, McEnroe cũng đã tiến gần đến danh hiệu. Thắng hai set đầu, để đối thủ gỡ lại một set, ở set thứ tư, McEnroe cũng đã dẫn trước. Nhưng cuối cùng, tay vợt huyền thoại người Mỹ lại để đối thủ ngược dòng đánh bại với tỉ số 3-2 (3-6, 2-6, 6-4, 7-5, 7-5), một trong những trận đấu kịch tính nhất ở kỷ nguyên “Mở rộng”.

1. Novak Djokovic (2015). Bản thân Nole cũng thừa nhận đây là mùa giải thành công nhất trong sự nghiệp của anh dù những gì tay vợt người Serbia đã làm được ở năm 2011 cũng rất ấn tượng.

 

Tính đến thời điểm này, Djokovic thắng 73 trận và chỉ năm lần thất bại trong năm 2015. Anh vô địch 9/14 giải tham dự. Tay vợt người Serbia lọt vào cả bốn trận chung kết Grand Slam và ba lần lên ngôi vô địch. Tuy nhiên, danh hiệu vô địch Pháp mở rộng vẫn là mảnh ghép còn thiếu đối với đương kim số một thế giới. Năm nay, dù đã vào đến chung kết và chỉ phải gặp Stan Wawrinka nhưng Djokovic lại để thua 1-3 (6-4, 4-6, 3-6, 4-6). Djokovic có phong độ rất cao trong giai đoạn cuối năm, tại Trung Quốc Mở rộng và Thượng Hải Masters 2015, tay vợt người Serbia không để thua set đấu nào và chỉ có Bernard Tomic buộc anh phải đánh tie-break trong trận tứ kết Thượng Hải Masters.

 

Tính từ Paris Masters 2011, Djokovic chưa để thua bất cứ trận nào trên mặt sân cứng trong nhà. Người hâm mộ cho rằng, với phong độ hiện nay, chức vô địch ATP World Tour Final 2015 đang nằm trong tầm tay anh. 

Di Khánh